Trò chuyện cùng sempai
HOÀNG LIÊN MẠNH

Trò chuyện cùng senpai - Anh HOÀNG LIÊN MẠNH

Lộ trình

Trong thời điểm năm cuối đang học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội, mình được các thầy cô giáo giới thiệu và biết đến dự án JPCAREER. Sau khi tìm hiểu, mình đã quyết định tham gia vào dự án để thay đổi tương lai của mình.
Tham gia vào dự án, quá trình học tiếng Nhật 11 tháng, với bao cảm xúc, vui có buồn có mệt có, nản chí có. Nhưng cũng nhờ sự quyết tâm đạt được mục tiêu đặt ra của mình, mình đã kiên trì, cố gắng học tập và thi đỗ phỏng vấn công ty Tổng thầu tại tỉnh Shizuoka.
Sau hơn 6 năm làm việc tại công ty, ngoài những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến công việc mà mình tích lũy được, mình cũng đã cố gắng lấy được một vài bằng cấp liên quan đến quản lý xây dựng tại Nhật.
Hôm nay mình xin chia sẻ chút ít kinh nghiệm về vấn đề đó.

03.仕事雰囲気写真

Mục đích của việc thi bằng” Quản lý xây dựng” tại Nhật

Chắc hẳn sẽ có nhiều bạn nghĩ: tại sao lại phải thi những bằng cấp liên quan đến xây dựng ở Nhật? Và sau khi lấy được bằng đó, mình sẽ nhận được những gì?
Thứ nhất ở Nhật cũng như Việt Nam, khi nhận thầu những công trình công cộng, với vốn đầu tư công, tùy thuộc vào giá trị hợp đồng đấu thầu sẽ yêu cầu những người Chủ nhiệm kỹ thuật phải có những bằng cấp tương đương (tiếng Nhật gọi là : 監理技術者、主任技術者等). Mặc dù vốn đầu tư công, do cơ quan nhà nước quản lý nhưng không yêu cầu Chủ nhiệm kỹ thuật phải là người Nhật, chỉ cần bạn có bằng cấp liên quan thì vẫn sẽ được bổ nhiệm dù là người nước ngoài.
Vì vậy, khi bạn thi đậu bằng cấp đó, công ty sẽ có thêm người có khả năng trở thành Chủ nhiệm kỹ thuật, sẽ dễ dàng trong việc bố trí nhân sự hơn.
Ngoài ra, ở Nhật số lượng bằng cấp của nhân viên của công ty cũng là một phần để đánh giá năng lực của công ty đó khi tham gia đấu thầu.
Vì ý nghĩa của bằng cấp rất quan trọng như trên mình đã nói, nên nhiều công ty ở Nhật cũng rất trọng bằng cấp. Có bằng cấp mình sẽ có nhiều cơ hội hơn để thăng tiến, theo đó mức lương sẽ được cải thiện rất nhiều. Và gần như hầu hết các công ty đều có trợ cấp bằng cấp, mỗi tháng (từ 1 đến 3 man) tùy bằng cấp cũng như tùy công ty.
Trên thực tế, không hẳn những người có bằng cấp là sẽ làm việc tốt, là sẽ được đánh giá có năng lực. Tuy nhiên, theo mình nghĩ nếu có bằng cấp, bạn sẽ có lộ trình thăng tiến nhanh hơn người không có bằng cấp.

Phương pháp học

Mỗi bằng mình thi đều chia thành 2 kỳ thi: thi lý thuyết và thi tự luận.
Về kỳ thi lý thuyết, sau khi tham khảo rất nhiều senpai trong công ty, thì mình tải và học theo app như hình ảnh đăng kèm. Điểm tốt của app này là phân chia rất rõ ràng theo từng chương, trong các chương có phần kiến thức cơ bản để học trước và có đề thi để mình ôn luyện. Ngoài ra, app có chức năng luyện những câu mình đã làm sai, cũng rất hữu ích.
Thêm vào đó app có một lợi thế của việc học trên điện thoại nữa, vậy là mình có thể học được mọi lúc mọi nơi.

Về kỳ thi thực hành, sau khi tham khảo nhiều người thi đậu trong công ty, thì hầu như đều sử dụng sách như hình ảnh đăng kèm. Mình học theo sách trên, kết hợp với việc học qua các video trên Youtube, có rất nhiều video dạy rất hay và bổ ích. Các bạn hãy tham khảo tìm cách học cho phù hợp với bản thân mình nhé! Mặc dù, những tài liệu trên đều được xây dựng trên những đề thi trong quá khứ, nhưng mình vẫn luyện lại đề cũ trong vòng 10 năm gần nhất. Mục đích là để làm quen với đề thi, cũng như ôn tập kỹ lại những kiến thức đã học.

Thời gian học

Kỳ thi tự luận gần nhất mình học trong vòng khoảng 4 tháng.
Thời gian đầu, mình dành để học những kiến thức cơ bản trong sách, cũng như các video trên Youtube, đồng thời luyện viết những hán tự chưa nhớ.
Tiếp đó, mình dành thời gian để luyện đề cũ.
Và tuần cuối cùng, mình dành để ôn tập lại những kiến thức quan trọng đã ghi chép lại trong quá trình tự ôn luyện.

05.日本で成長できた写真

Khó khăn của người Việt trong việc học

Theo mình khó khăn nhất vẫn là tiếng Nhật.
Như kỳ thi năng lực tiếng Nhật, chúng ta chỉ cần làm các câu hỏi trắc nghiệm. Còn kỳ thi tự luận cấp 1 phải “viết bài luận” khoảng 1 trang giấy. Ngoài ra, có các câu hỏi điền từ, viết đối sách trong các trường hợp thực tế, yêu cầu phải nhớ hán tự để viết.
Vậy cách khắc phục như thế nào?
Về bài luận, gần như các năm gần đây chỉ ra trong các chủ đề: quản lý chất lượng, quản lý an toàn, và quản lý tiến độ cũng có khả năng xuất hiện trong đề thi.
Bạn nên chuẩn bị 3 bài luận trên dựa vào kinh nghiệm xảy ra trên thực tế, sau đó nhờ senpai người Nhật sửa trước, sau đó học thuộc lòng.

Mặc dù, không có công bố chính thức về cách chấm điểm nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người, bài luận chiếm khoảng 40% số điểm của đề, là một phần rất quan trọng nên các nhớ chuẩn bị kỹ nhé! Dù các câu hỏi khác bạn được điểm cao, tổng trên 60 điểm, nhưng nếu bài luận bị điểm thấp cũng sẽ bị chấm trượt.
Vì vậy, hãy chuẩn bị 1 bài luận thật tốt, về cả nội dung lẫn câu từ tiếng Nhật để có thể lấy được điểm cao nhất ở câu hỏi này.

Về những câu hỏi điền từ hay trả lời câu hỏi khác, mỗi người có một cách học tiếng Nhật khác nhau nên mình không thể khuyên. Tuy nhiên, các bạn nên học và nhớ bằng câu tiếng Nhật, tránh trường hợp nhớ bằng tiếng Việt, hoặc dịch ra tiếng Việt để nhớ. Đến khi đi thi lại phải dịch ra tiếng Nhật, suy nghĩ nên dùng từ nào, sẽ mất rất nhiều thời gian và có thể bị hiểu sai nghĩa và dùng từ không đúng với câu trả lời.

Trên đây, là một số thông tin, những kinh nghiệm mà mình muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích với các bạn. Chúc cho các bạn, luôn giữ vững ý chí quyết tâm không từ bỏ ước mơ, mục tiêu mình đã đặt ra. Mình nghĩ, nước Nhật là nơi chúng ta có thể phát triển bản thân, học hỏi được nhiều cái hay, cái đẹp, để hoàn thiện chính bản thân mình. Chúc các bạn học tập thật tốt, đạt được kết quả cao trong cả học tập lẫn công việc.

02.仕事写真